Trang

AgroMonitor: Hàng ngàn tấn cao su ứ đọng tại cửa khẩu Móng Cái


Tin tức trích từ: http://agromonitor.vn/tin-tuc/

(CAND Portal) - Tính đến 23/9, hàng ngàn tấn cao su tại cửa khẩu Móng Cái xuất bán tiểu ngạch vẫn trong tình trạng "đóng băng" do hải quan phía bên kia "đóng biên", cấm nhập tiểu ngạch cao su thô.

Tương ứng với động thái này, giá cao-su cán thô SVR10 tại Móng Cái từ 32.000 NDT/tấn đã giảm xuống 28.000 NDT/tấn, còn giá xuất bán tại các tỉnh Bình Dương, Đắk Lắk, Gia Lai từ trên 100.000đ/kg hiện chỉ còn 80.000đ/kg, thậm chí còn có thể xuống thấp hơn nữa. Một loạt các diễn biến xấu kèm theo đang bắt đầu xuất hiện như: sản xuất đình đốn, khả năng cầm cự chờ thời của các DN xuất khẩu đã ở thời điểm chót, nguy cơ thua lỗ nặng cận kề…

Ông Nguyễn Tiến Ph., chủ một DN xuất khẩu cao su có tiếng ở Móng Cái cho biết, sau 2 tháng "treo" hàng tại cửa khẩu Lục Lầm, tìm đủ mọi cách cầu viện đối tác Trung Quốc, DN của ông mới chỉ xuất bán được 1/3 lô hàng gần 1.000 tấn cao su SVR10. Trên 600 tấn còn lại, chưa tìm thấy tia hy vọng nào.

Theo ông Ph., là hiện tượng chưa từng xảy ra tại Móng Cái, nơi cao su luôn là mặt hàng "hot", có bao nhiêu bán hết ngay bấy nhiêu, giá cả rất hời. Nhưng giờ tại bến Lục Lầm, điểm chính thông biên tiểu ngạch với mặt hàng này, thay cho không khí tấp nập suốt ngày đêm là sự vắng lặng đến lạ thường. Hàng núi hàng cao su thô xếp chồng đống theo từng block (33kg/block) suốt đầu bờ cuối bãi. Có kiện đã được xếp lên đò hàng mấy ngày trời song chủ hàng thà gánh thêm chi phí chứ nhất quyết không chịu dỡ hàng với hy vọng mong manh: lỡ đâu phía Trung Quốc bất ngờ mở đường biên là có thể xuất hàng được ngay.

Một chủ hàng khác cho hay: Từ tháng 7/2011, phía Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện lệnh hạn chế nhập tiểu ngạch cao su từ Việt Nam. Tuy nhiên, cấm thì cấm nhưng cứ cách quãng hai ngày, cửa khẩu lại mở, mặt hàng cao su vẫn nhúc nhắc xuất bán được. Tuy nhiên, từ 2 tuần nay, cửa khẩu đã đóng hoàn toàn. Thương nhân Trung Quốc (bên mua) nếu cố tình nhập, ngoài bị tịch thu còn chịu phạt rất nặng.

Thông tin trên cuối cùng cũng đã được xác nhận từ Bộ Công thương. Theo đó, cơ quan chức năng của phía bạn đã điều chỉnh hoạt động nhập khẩu cao su thiên nhiên theo cơ chế thị trường tự do tại cặp cửa khẩu Lục Lầm - La Phù (Móng Cái) đối với tất cả các doanh nghiệp và thương gia của mình. Do đó, ngân hàng thương mại đã ngừng cấp vốn hối phiếu thanh toán đối với các hợp đồng nhập khẩu cao su từ Việt Nam. Cảnh báo của Bộ Công thương là các doanh nghiệp cần phải chuyển hướng tìm thị trường khác!.

Cao su xuất khẩu đã bị "đóng cửa" vô thời hạn tại cửa khẩu tiểu ngạch Móng Cái.

Tới lúc này, hàng chục doanh nghiệp, thương nhân Việt Nam sau nhiều tháng cầm cự chờ thời đến nay đã ngộ ra rằng, không thể còn "tia sáng cuối đường"… tiểu ngạch nào nữa. Rất nhiều "đại gia… cao su" đã phải than vãn: giờ mang hàng quay về cũng "chết", chi phí vận tải rất đắt mà bán cho doanh nghiệp trong nước cũng không xong vì các nhà máy chế biến cao su tại Việt Nam chỉ sản xuất từ cao su phẩm cấp cao như SVL3 mà thôi. Loại thấp như hàng SVR10 chỉ có thể bán cho Trung Quốc, họ không mua không biết bán cho ai.

Một số doanh nghiệp có lượng hàng tồn lớn đã tính đến chuyện tái chế nâng phẩm cấp cao su để xuất bán chính ngạch sang Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Bắc Luân. Song, hướng này cũng không dễ dàng. Thứ nhất, việc gia công, chế biến nâng phẩm cấp ngay tại Móng Cái phải do chính các thương nhân Trung Quốc thực hiện và cũng chưa thể xác thực khả năng có làm được hay không, chi phí sẽ rất tốn kém. Thứ hai, ở đường chính ngạch, thương nhân Trung Quốc phải chịu thuế nhập khẩu 25%, trong khi tại cửa khẩu tiểu ngạch, thuế này chỉ 0% nên họ không hề mặn mà.

Chính vì vậy, dù rất ít hy vọng nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều lựa chọn phương án 'đắp chiếu" chờ thời. Điều đáng lo ngại hơn nữa là, dù tình hình xuất khẩu tiểu ngạch cao su tại Móng Cái "đóng băng" nhưng tại các tỉnh phía Nam và khu vực Tây Nguyên, còn rất nhiều thương nhân vẫn chưa nắm được thông tin cụ thể, do đó các giao dịch vẫn cứ tiến hành và điểm đến cuối cùng vẫn là Móng Cái càng làm gia tăng áp lực và tính phức tạp lẫn thiệt hại đủ đường.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trước thực trạng này các cơ quan chức năng cần đặc biệt quan tâm tới việc cung cấp thông tin về tình hình cụ thể, định hướng, dự báo cho các doanh nghiệp thương mại, các cơ sở sản xuất chế biến để kịp thời điều tiết, chuyển hướng thị trường trong thế chủ động.

Bên cạnh đó, cần rút ra bài học, kinh nghiệm làm ăn với các thương nhân Trung Quốc. Đó là muốn lâu dài, an toàn và hiệu quả cần phải dựa vào những cơ sở luật pháp thương mại quốc tế, chính sách Nhà nước về quản lý cửa khẩu. Từ đó, nếu không giành thế chủ động thì chí ít cũng ngang hàng, bình đẳng giữa mua và bán. Tuyệt đối không cả tin, nhẹ dạ kinh doanh theo đồn đoán vô căn cứ để rồi thiệt đơn hại kép, tồn đọng cả ngàn tấn cao su như hiện nay

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét